Hôm nay 25 tháng 7 năm 2010 thông tin nghiệp vụ cần biết
Ngày 08/02/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2010/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư (sau đây gọi tắt là Nghị định 09).
Việc ra đời của Nghị định 09 lúc này là hoàn toàn phù hợp khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 (thay cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 16/12/2002). Theo Nghị định 09 thì Nghị định 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư (Nghị định 110) được sửa đổi, bổ sung một nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, Nghị định làm rõ khái niệm bản gốc và bản chính của văn bản. Trong đó, “bản gốc của văn bản” là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản được cơ quan tổ chức ban hành và có chữ ký trực tiếp của người có thẩm quyền”. Còn “bản chính văn bản” là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản và được cơ quan phát hành”. Căn cứ vào hai định nghĩa trên, bản gốc khác bản chính là: bản gốc có chữ ký trực tiếp, còn bản chính thì được cơ quan, tổ chức phát hành.
Thứ hai, trong phần quy định những văn bản thuộc loại văn bản hành chính, Nghị định bổ sung thêm Nghị quyết (cá biệt), thư công, bản ghi nhớ, bản cam kết, bản thỏa thuận.
Thứ ba, Nghị định bổ sung một số quy định về thể thức của công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản cam kết, bản thỏa thuận, thư công. Theo đó, công văn có thể bổ sung thêm địa chỉ Trang thông tin điện tử (website) và biểu tượng (logo) của cơ quan tổ chức. Còn đối với công điện, bản ghi nhớ, bản cam kết, thư công, bản thỏa thuận, giấy nghỉ phép, giấy biên nhận hồ sơ, phiếu chuyển thì không nhất thiết phải có tất cả thành phần thể thức như quy định.
Thứ tư, Nghị định bổ sung thêm quy định về chuyển phát và đính chính văn bản. Theo đó, “văn bản đã phát hành nhưng có sai sót về nội dung phải được sửa đổi và được thay thế bằng văn bản có hình thức tương đương của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản. Văn bản đã phát hành nhưng có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày, thủ tục ban hành phải được đính chính bằng văn bản hành chính của cơ quan, tổ chức ban hành”. Như vậy, ở Nghị định 09, tầm quan trọng về tính chính xác về mặt nội dung và thể thức đã được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn.
Thứ, năm, Nghị định quy định cụ thể thêm ở phần lưu văn bản đi. Cụ thể văn bản đi phải lưu hai bản: “bản gốc lưu tại Văn thư cơ quan, tổ chức, bản chính lưu trong hồ sơ”.
Bên cạnh những nội dung cơ bản trên, Nghị định còn quy định một số sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định 110 ở nội dung về ký thay, ký thừa ủy quyền… Ngoài ra, Nghị định 09 quy định rõ, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật; Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.
Được biết, Nghị định 09 này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2010
0 nhận xét:
Đăng nhận xét